Đà Nẵng “ôm mộng“ trở thành thủ phủ không ngủ về đêm
Thứ Bảy, ngày 11/07/2020 10:00 AM (GMT+7)
“Đà Nẵng là nơi tốt nhất để khởi động cho loại hình kinh tế đêm. Bởi nếu không có kinh tế đêm thì Đà Nẵng sẽ buồn hơn rất nhiều”, PGS-TS Trần Đình Thiên đánh giá.
“Nếu không có kinh tế đêm thì Đà Nẵng sẽ buồn hơn rất nhiều”
Tại Tọa đàm Kích cầu Du lịch Đà Nẵng "Vai trò của sản phẩm, dịch vụ giải trí đêm" do Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng phối tổ chức tại Đà Nẵng ngày 10/7, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: “Đà Nẵng là nơi tốt nhất để khởi động cho loại hình kinh tế đêm. Bởi nếu không có kinh tế đêm thì Đà Nẵng sẽ buồn hơn rất nhiều.
PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tại buổi tọa đàm.
“Việt Nam được khẳng định là một hướng phát triển kinh tế đêm ở cấp độ quốc gia chứ không phải riêng Đà Nẵng. Địa bàn Đà Nẵng là nơi tốt nhất để khởi động cho một phương thức hoạt động mới của nền kinh tế”, ông Thiên đánh giá.
Xét từ góc độ lịch sử, theo ông Trần Đình Thiên, không phải tới bây giờ Đà Nẵng mới quan tâm, mà ngay từ 10-15 năm trước khi bàn về chân dung phát triển của Đà Nẵng tương lai thì đã bàn về khái niệm Đà Nẵng phải sống về đêm như thế nào rồi. "Làm du lịch nếu chỉ có ban ngày không thì Đà Nẵng cũng vui nhưng đó là cái vui ngắn. Tắm xong lại đi ăn. Ăn xong lại tắm thì chán. Rồi chỉ 1- 2 ngày là khăn gói lên đường trở về. Nếu không có hoạt động ban đêm thì Đà Nẵng buồn hơn rất nhiều", nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ.
Cầu Rồng về đêm ở Đà Nẵng.
"Tôi nhớ cố Bí thư Nguyễn Bá Thanh đã nói, Đà Nẵng không làm du lịch được vì lúc người ta ngủ thì ông lại dậy đi tập thể dục, ông làm lên buổi sáng sớm. Khách du lịch người ta đang ngủ đến 9h thì 4-5h ông đã dậy làm ỏi tỏi lên rồi. Còn lúc cần thức thì ông lại tắt hết đèn đi ngủ từ 8h tối. Cứ như thế mãi thì Đà Nẵng không thể làm du lịch được. Chính cách tiếp cận đó mở ra cho chúng ta thấy rằng tầm nhìn cho phát triển du lịch Đà Nẵng rất hay. Đà Nẵng đều là địa điểm có tính tiên phong”, ông Thiên nhấn mạnh.
PGS.TS Trần Đình Thiên đề xuất, để phát triển kinh tế ban đêm ở Đà Nẵng cần làm đầu tiên đó là lựa chọn lực lượng chủ công – định hướng và định hình để thực thi chiến lược phát triển kinh tế ban đêm, phát triển các khu đêm dọc bờ biển, dọc sông Hàn với chợ đêm, nhà hàng ẩm thực….
Ông Lê Trung Chinh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, đại dịch COVID-19 vừa qua đã tác động rất lớn đối với các nước trên thế giới. Tại Việt Nam nói chung Đà Nẵng nói riêng, công tác kiểm soát dịch bệnh cũng đã làm rất tốt.
Ông Lê Trung Chinh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, thành phố rất cần hội thảo kích cầu du lịch kinh tế đêm.
Trong suốt 23 năm qua, năm nay lần đầu tiên kinh tế Đà Nẵng bị âm hơn 3%, dịch vụ du lịch bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh COVID-19. TP Đà Nẵng cũng đang phục hồi phát triển, kích cầu du lịch trong thời gian qua.
Đến thời điểm này, thành phố đang dần phục hồi kinh tế du lịch. Phát triển kinh tế đêm là dịch vụ mới. Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, TP Đà Nẵng đã bàn ra các phương hướng nhiệm vụ, hình thành phố đi bộ… tạo điều kiện cho nhà đầu tư phát triển.
Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhấn mạnh, thành phố rất cần hội thảo kích cầu du lịch kinh tế đêm. Sự phát triển của Đà Nẵng sẽ tác động rất lớn đến các tỉnh miền Trung.
Định hướng phát triển kinh tế đêm ở Đà Nẵng theo 4 nhóm
Tại buổi tọa đàm, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, Sở sẽ định hướng phát triển kinh tế đêm trên địa bàn thành phố theo 4 nhóm hoạt động và dịch vụ gồm: Văn hóa - vui chơi giải trí; ăn uống; mua sắm và du lịch tham quan. Trong giai đoạn một (dự kiến 2021 - 2023), Sở sẽ thí điểm chọn các dịch vụ sẵn có trên 4 khu vực: phố du lịch An Thượng, tuyến phố đi bộ Bạch Đằng - cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Hưng Đạo, tuyến đường ven biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa và tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành để hoàn thiện và khai thác phát triển.
Kinh tế đêm sẽ giữ chân du khách ở lại lâu hơn với Đà Nẵng
Giai đoạn 2 (dự kiến từ năm 2023 - 2025) sẽ xác định một số khu vực trọng điểm gồm: Phố du lịch An Thượng, mở rộng đến đường Nguyễn Văn Thoại; tuyến phố đi bộ Bạch Đằng - cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Hưng Đạo và mở rộng ra đường Như Nguyệt, Chương Dương; tuyến đường ven biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa; tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành; Bà Nà Hills; khu vực làng Vân và một số khu vực riêng biệt nằm ở phía Tây Đà Nẵng.
Ông Lê Tấn Thanh Tùng, đại diện công ty lữ hành Vitours, nhấn mạnh, Đà Nẵng đang đứng trước nguy cơ lớn về cạnh tranh điểm đến, đặc biệt với 2 địa phương lân cận là Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.
Trong đó, Quảng Nam từ lâu đã triển khai thực hiện phố đi bộ Hội An và ngày càng mở rộng. Thừa Thiên Huế cũng đã đưa vào hoạt động phố đi bộ ở một số tuyến đường nội thành Huế.
Đà Nẵng sẽ trở thành thành phố không ngủ về đêm.
Đà Nẵng cũng phát triển mạnh về các hoạt động vui chơi, giải trí. Tuy nhiên, để du lịch Đà Nẵng tiếp tục là điểm đến hấp dẫn và phát triển hơn nữa, thành phố rất cần khu phố đêm (phố đi bộ) thực sự có quy mô và xứng tầm với một đô thị lớn về du lịch.
Cùng với xu hướng toàn cầu, Đà Nẵng cũng đang "ôm mộng" trở thành thành phố không ngủ về đêm. Với các sản phẩm và dịch vụ vui chơi giải trí về đêm mới mẻ và độc đáo, du lịch Đà Nẵng sẽ có thêm lợi thế để nâng cao năng lực cạnh tranh so với những điểm đến khác trong cuộc đua kích cầu hiện tại, đồng thời góp phần gia tăng nhiều trải nghiệm mới khác lạ, giúp kéo dài thời gian lưu trú và kích thích mua sắm của du khách đến Đà Nẵng.
Nguồn: http://danviet.vn/da-nang-om-mong-tro-thanh-thu-phu-khong-ngu-ve-dem-5020201179593150.htmNguồn: http://danviet.vn/da-nang-om-mong-tro-thanh-thu-phu-khong-ngu-ve-dem-5020201179593150.htm
Biển, bán đảo Sơn Trà, chợ Hàn, đèo Hải Vân,... là những địa điểm khi du lịch Đà Nẵng mà bạn không thể bỏ qua.
No comments