Khoảnh khắc Tết của tôi: Mùa xuân đầu tiên trên rẻo cao
Cuối năm 2021, tôi tiễn chân nghệ sĩ nhiếp ảnh Phi Long lên Tây Bắc khi không khí lạnh tràn về. Những cơn mưa nặng hạt mùa đông ở miền Trung cũng bắt đầu ngớt dần, để chuyển sang tiết trời se lạnh báo hiệu mùa xuân đang đến.
Giữa lúc mọi người chộn rộn về quê ăn Tết sum họp gia đình, Long lại chọn xa nhà để chinh phục một cuộc hành trình mới của tuổi trẻ. Đó là lên Tây Bắc cắm bản để giúp đồng bào Mông thay đổi nhận thức, phát triển kinh tế.
Ngôi nhà lán bằng gỗ do Long dựng lên ở bìa rừng đơn sơ, giản dị nhưng vẫn bày biện đầy đủ mâm quả ngày Tết như bánh chưng, kẹo mứt và một nhành đào do các em ở bản đem tặng. Long còn đưa em Giàng A Lanh - một người Mông ở bản thấp - lên sống cùng để hướng dẫn em cách làm ăn, rồi từ đó nhân rộng mô hình ra cho đồng bào mình.
Những hình ảnh đẹp ấy cứ thôi thúc tôi lên Tây Bắc vào mùa xuân
Nhà Long nằm ở bản Căn Tỷ 2, xã Ma Quai, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Nơi đây hầu hết là đồng bào Mông sinh sống. Người Mông ăn Tết sớm hơn so với người Kinh và những đồng bào dân tộc khác khoảng một tuần và kéo dài một tháng.
Đây chính là quãng thời gian họ cùng nhau hòa mình vào các trò chơi, giao lưu múa hát tập thể để quên đi bao vất vả, mệt nhọc của năm cũ, chỉ còn lại những niềm vui và hạnh phúc nơi rẻo cao.
Ngày xuân nắng đẹp, Long chở tôi vào bản Pa Chi Ô của người Mông nằm trên một đỉnh núi cao ở xã Hồng Thu, huyện Sìn Hồ. Nơi đây, những cành hoa mận trắng muốt vươn ra khẳng khiu trên những thân cây cổ thụ trước những ngôi nhà trình tường bằng đất đẹp như một bức tranh thủy mặc.
Trong vườn, những vạt cải nở vàng rực rỡ xen lẫn những bông hoa đào hồng phai. Tuy cuộc sống của người dân đơn sơ, vất vả nhưng bù lại cảnh vật tươi đẹp khiến lòng người cũng trở nên rộn ràng.
Đặc biệt, vào ngày Tết, thay vì ăn bánh chưng bánh tét như người Kinh dưới xuôi, người Mông ăn bánh dày. Đây là món bánh cổ truyền được làm từ gạo nếp nương thơm ngon và mềm dẻo, đồ chín rồi giã nhuyễn và gói lại nấu chín, khi ăn thì nướng trên bếp than.
Bánh được chấm với mật ong rừng hoặc mật mía, hương vị của bánh quyện với mùi của lá dong rừng tạo nên một mùi thơm đặc trưng của núi rừng Tây Bắc.
Theo tiếng Mông, bánh dày được gọi là "chúa plảu", có hình tròn, màu trắng, to, dẹt, mịn và không có nhân. Có lẽ vì vậy mà bánh dày không chỉ tượng trưng cho tình yêu thủy chung, son sắt của những đôi trai gái người Mông yêu nhau mà còn tượng trưng cho Mặt trăng, Mặt trời - là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài trên Trái đất.
Đặc biệt, trong ba ngày Tết chính là mùng 1, mùng 2, mùng 3, người Mông chỉ ăn các món bánh và thịt, tuyệt đối không ăn rau. Họ quan niệm rằng ngày Tết không ăn rau để tránh trong năm mới đi làm nương, làm rẫy cỏ mọc nhiều, mùa màng thất thu, chăn nuôi trâu bò không được thuận lợi. Do đó, bánh dày trở thành một món ăn không thể thiếu trong những ngày nghỉ Tết.
Vào ngày xuân, chúng tôi còn được tham gia vào các trò chơi dân gian của đồng bào Mông. Một trong những trò chơi phổ biến nhất là đánh cù (hay còn gọi là Tù Lu). Chiếc cù được làm từ loại gỗ cứng, đẽo tròn, đầu dưới thu nhỏ dần thành nhọn, đầu trên mâm xôi như quả chanh cắt lát hay dạng bán cầu.
Mùa xuân cũng là mùa đôi lứa yêu nhau, hẹn hò kết duyên lành. Những chàng trai thổi khèn, nhảy múa xung quanh các cô gái mặc những chiếc váy xòe duyên dáng e thẹn để tán tỉnh, họ cùng nhau cất lên tiếng hát và nhảy chung một nhịp ăn ý. Những ánh mắt đưa tình lả lơi trong men rượu cần càng làm cho không khí trở nên thân mật.
Cũng từ phiên chợ ấy mà nhiều nam thanh nữ tú kết thành đôi, sống bên nhau trọn đời. Điều bất ngờ là vào mùa xuân năm nay, cả Long và Lanh đều cưới vợ, khởi đầu cho một hành trình mới của cuộc đời mang tên Hạnh phúc.
Cuộc thi "Khoảnh khắc Tết của tôi"
Cuộc thi Khoảnh khắc Tết của tôi là dịp để bạn đọc giới thiệu những khoảnh khắc đẹp, những trải nghiệm khó quên nhất trong dịp Tết cùng người thân, bạn bè.
Mỗi bài viết tối đa 1.000 chữ bằng tiếng Việt, khuyến khích kèm theo ảnh, chùm ảnh hoặc video.
Bài dự thi chia sẻ lại những điểm dừng chân lý tưởng, vùng đất độc đáo. Qua câu chuyện bạn kể, bạn sẽ giúp nhiều người có cơ hội được biết đến những vùng đất mới, những địa điểm không nên bỏ lỡ khi du xuân.
Đó có thể là bài viết ghi lại những khoảnh khắc bạn bè, người thân sum họp, ăn Tết và vui chơi cùng nhau.
Đó là những ghi chép, kể lại về những trải nghiệm cá nhân từ chuyến đi, chuyến công tác xa nhà trong những ngày Tết mà bạn từng trải qua.
Bài thi ảnh làm nổi bật vẻ đẹp của danh thắng, địa điểm hay vùng đất mà bạn đã tới. Đây là dịp để kể lại những sắc màu rực rỡ và khung cảnh đẹp của Việt Nam hoặc các quốc gia mà bạn đến.
Từ 25-1 đến hết 24-2, bạn đọc có thể gửi bài dự thi về địa chỉ khoanhkhactet@tuoitre.com.vn.
Lễ trao giải và tổng kết dự kiến diễn ra vào tháng 3-2024. Cơ cấu giải thưởng bao gồm 1 giải nhất (15 triệu đồng tiền mặt và quà tặng), 2 giải nhì (7 triệu đồng và quà tặng), 3 giải ba (5 triệu đồng và quà tặng).
Chương trình có sự đồng hành của HDBank.
No comments