Breaking News

Nao nao Tết Việt giữa lòng Kobe

Vườn hoa mơ trong công viên Suma Rikyu

Vườn hoa mơ trong công viên Suma Rikyu

Cuộc sống xa quê khiến cho những người tha hương mang nỗi niềm đau đáu về quê nhà. Cảm xúc ấy càng trào dâng khi nhìn ba mẹ qua màn hình điện thoại, khi thấy góc nhà ở quê bừng lên sắc xuân thắm tươi bởi cặp cúc vàng rực ba mới mua, hay bình bông lay ơn mẹ vừa cắm.

Dù vậy, tôi hay nhiều người xa quê khác cũng sẽ tạm gác lại nỗi nhớ ấy vào một góc trong tim, để rồi vui vẻ đón chào một năm mới ở xứ người với bao điều bất ngờ ở phía trước.

Tôi và chồng từng sống ở ngoại ô thành phố Kobe, Nhật Bản hơn 4 năm. Vì dịch bệnh và tính chất công việc nên sự trở về sum vầy bên ba mẹ vào dịp Tết là ước mong, là lời hứa dở dang. 

Tuy nhiên, chúng tôi lớn lên với sự đủ đầy yêu thương, dạy dỗ của mẹ cha nên chưa khi nào quên đi những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt mỗi mùa Tết đến xuân về.

Cứ mùng một Tết, tôi và chồng chọn đi viếng đền hoặc đi lễ chùa đầu năm. Một người bạn Nhật lớn lên ở Kobe giới thiệu cho tôi ngôi chùa Sumadera ở vùng đất này. Vì đây là ngôi chùa có lịch sử lâu đời hơn 1.100 năm được dựng hoàn toàn bằng gỗ. Khuôn viên chùa khá rộng, là một tổ hợp gồm nhiều gian thờ cúng, cầu nguyện khác nhau.

Cổng vào chánh điện của một gian trong khuôn viên chùa Sumadera

Cổng vào chánh điện của một gian trong khuôn viên chùa Sumadera

Từ cổng đến chánh điện, tôi ngạc nhiên khi thấy cách bày biện bố trí lư hương, tượng Phật ở đây có nét tương đồng với chùa ở Việt Nam. Mùi nhang trầm chờn vờn trước mũi khiến ký ức Tết quê trong tôi đợi dịp tràn về. 

Một kiểu mùi quen thuộc như hương trầm má đốt cúng gia tiên, như rằng vắng nó bàn thờ người đã khuất của gia đình tôi mất đi hơi ấm ngày xuân, mà với má thiếu nó là Tết chưa trọn vẹn, đủ đầy. Đã lâu tôi mới thấy chốn linh thiêng của xứ người gần gũi đến thế!

Ở đây, ngoài dâng hương thành kính mong cầu điều tốt lành, bình an cho năm mới thì người đi lễ có thể dâng nến ước nguyện. Họ có thể mua nến tại chùa rồi đến những tủ kính được bố trí trong không gian chùa để thắp lên ánh sáng may mắn khấn nguyện.

Chùa còn có nơi để xin xăm, xin quẻ. Dù người Nhật đã bỏ đi văn hóa đón mừng Tết Nguyên đán từ rất lâu và lịch âm hầu như không ai dùng đến, nhưng họ vẫn còn giữ lại cách tính tuổi theo 12 con giáp, với sự thay đổi tuổi mão thành tuổi thỏ, tuổi mùi thành tuổi cừu. 

Vậy nên, bạn có thể xin xăm xin quẻ theo tuổi của mình và đa phần xăm quẻ sau khi giải mã được treo lại ở chùa để những điều xấu không theo về nhà, còn điều hay được kết nối với thần linh sớm thành hiện thực.

Khuôn viên chùa Sumadera

Khuôn viên chùa Sumadera

Tượng Phật trong khuôn viên chùa Sumadera

Tượng Phật trong khuôn viên chùa Sumadera

Du khách thường chọn đến Nhật vào mùa hoa anh đào nở hoặc khi lá phong đỏ phủ khắp nơi vào tháng 11. Thế nhưng, nếu bạn có chuyến công tác hay du xuân vào thời điểm tháng 2, tháng 3, bạn sẽ được dịp thưởng thức vẻ đẹp nhẹ nhàng của nước Nhật qua mùa hoa mơ nở. 

Công viên Suma Rikyu gần chùa Sumadera là công viên lớn với nhiều lớp thực vật khác nhau, có đủ mùa hoa, hoa hồng, hoa cẩm tú cầu, hoa diên vỹ… Khi tiết trời còn đương lạnh, chỉ có hoa mơ mới chịu bung nụ báo hiệu mùa xuân về, nở thắm cả một khoảng trời.

Vườn hoa mơ trong công viên Suma Rikyu

Vườn hoa mơ trong công viên Suma Rikyu

Rồi tôi bắt tàu từ ga Suma đến ga Kobe. Lần nào vào trung tâm Kobe, tôi như thể thấy hình bóng Đà Nẵng quê mình đâu đây, hay đôi khi là chùm ký ức còn sót lại về một Đà Lạt bình yên. Bởi Kobe là thành phố biển xinh đẹp với nhiều khu vui chơi náo nhiệt và là điểm đến của những chiếc du thuyền hạng sang. Len lỏi qua các ngõ ngách Kobe là những con dốc, những mái nhà núp mình sau chúng lặng lẽ đến lạ.

Với những ai đón Tết xa nhà mà muốn tìm chút không khí thân thuộc ở xứ người thì hãy ghé khu phố Tàu và ra bến cảng Kobe để hòa vào niềm hân hoan mừng xuân của kiều bào qua những tiết mục văn nghệ hoành tráng, do cộng đồng người Việt tại đây tổ chức.

Khu phố Tàu ở Kobe

Khu phố Tàu ở Kobe

Một góc cảng Kobe về đêm

Một góc cảng Kobe về đêm

Văn nghệ mừng xuân đón Tết của cộng đồng người Việt tại Kobe

Văn nghệ mừng xuân đón Tết của cộng đồng người Việt tại Kobe

Mỗi dịp như thế này, lòng tôi lại chộn rộn và sung sướng vì được nghe thứ tiếng Việt thân thương của bao đồng hương tụ về, được thấy đặc sản Việt trưng bày trong gian hàng hội chợ Tết Việt, được hòa vào sự gần gũi thân tình giữa những người Việt xa quê, được quyền tự hào nét đẹp truyền thống ngày Tết của cha ông được gìn giữ dù trên đất người.

Nếu đã ghé Kobe, để chuyến đi không có nhiều nuối tiếc, bạn đừng bỏ lỡ chuyến tàu đến ga Maiko. Tới đó, bạn có thể ngắm cây cầu treo Akashi Kaikyo dài nhất thế giới. 

Cây cầu này được xem là một trong những công trình đánh dấu sự vượt bậc về trình độ kỹ thuật, công nghệ của người Nhật, phải mất gần 10 năm mới hoàn thành. Hơn nữa, nó đã đứng vững và vượt qua được trận động đất hơn 7 độ tàn phá Kobe một cách kinh hoàng vào năm 1995. Nó là niềm tự hào của người dân Nhật Bản.

Quang cảnh cầu Akashi Kaikyo từ xa

Quang cảnh cầu Akashi Kaikyo từ xa

Tết bao giờ cũng có một ý nghĩa đặc biệt với người Việt. Vì vậy, tôi luôn cố gắng lưu giữ cho mình những khoảnh khắc vui xuân đón Tết thật ấm nồng dù ở đâu chăng nữa, để nó trở thành những kỷ niệm đẹp bên tôi đi hết một đời.

Cuộc thi "Khoảnh khắc Tết của tôi"

Cuộc thi Khoảnh khắc Tết của tôi là dịp để bạn đọc giới thiệu những khoảnh khắc đẹp, những trải nghiệm khó quên nhất trong dịp Tết cùng người thân, bạn bè.

Mỗi bài viết tối đa 1.000 chữ bằng tiếng Việt, khuyến khích kèm theo ảnh, chùm ảnh hoặc video.

Bài dự thi chia sẻ lại những điểm dừng chân lý tưởng, vùng đất độc đáo. Qua câu chuyện bạn kể, bạn sẽ giúp nhiều người có cơ hội được biết đến những vùng đất mới, những địa điểm không nên bỏ lỡ khi du xuân.

Đó có thể là bài viết ghi lại những khoảnh khắc bạn bè, người thân sum họp, ăn Tết và vui chơi cùng nhau.

Đó là những ghi chép, kể lại về những trải nghiệm cá nhân từ chuyến đi, chuyến công tác xa nhà trong những ngày Tết mà bạn từng trải qua.

Bài thi ảnh làm nổi bật vẻ đẹp của danh thắng, địa điểm hay vùng đất mà bạn đã tới. Đây là dịp để kể lại những sắc màu rực rỡ và khung cảnh đẹp của Việt Nam hoặc các quốc gia mà bạn đến.

Từ 25-1 đến hết 24-2, bạn đọc có thể gửi bài dự thi về địa chỉ khoanhkhactet@tuoitre.com.vn.

Lễ trao giải và tổng kết dự kiến diễn ra vào tháng 3-2024. Cơ cấu giải thưởng bao gồm 1 giải nhất (15 triệu đồng tiền mặt và quà tặng), 2 giải nhì (7 triệu đồng và quà tặng), 3 giải ba (5 triệu đồng và quà tặng).

Chương trình có sự đồng hành của HDBank.

Nao nao Tết Việt giữa lòng Kobe- Ảnh 10.

No comments

Nuoc Hoa Xach Tay