Giữ chợ nổi bằng du lịch: dễ hay khó?
Như ở huyện Chợ Mới (An Giang) quê tôi từng nức tiếng ở miền Tây với nghề làm tranh kiếng. Nghề này đã tồn tại khoảng 80 năm.
Cuộc sống thay đổi, nghề này dần dà mai một vì ít ai mua tranh kiếng. Có lúc người ta còn lo lắng nghề này có thể biến mất. Mấy năm nay lại thấy người chở tranh kiếng đi bán. Giới trẻ cũng quan tâm tìm hiểu, đặt mua tranh kiếng để trang trí hay làm quà tặng. Trước kia chỉ thường làm tranh thờ, nay có thợ kiếng làm tranh theo đề tài và phong cách mới.
Nhắc về tranh kiếng, chúng tôi lại nhớ thêm kỷ niệm gắn bó những chuyến đò dọc, phương tiện di chuyển phổ biến khi đi xa ngày xưa, thứ từ lâu đã biến mất do giao thông đường bộ thuận tiện hơn. Nhà nào bây giờ cũng dễ dàng có xe máy...
Những câu cầu lớn bắc qua sông Tiền, sông Hậu đã và đang giúp rút ngắn thời gian chờ đò, phà. Hễ có cây cầu lớn nào được xây dựng, người dân quê tôi háo hức kéo nhau đi xem như ngày hội. Những chuyến phà xưa kết thúc sứ mệnh lịch sử.
Thế nhưng, trong nhiều trường hợp, phà đã trở lại theo cách ít ngờ nhất như câu chuyện của phà Rạch Miễu, Cần Thơ, Vàm Cống. Vì một bộ phận người dân địa phương gần đó vẫn cần các phà sang sông thuận tiện. Nghe nghịch lý mà lại có lý, những chiếc phà đã sống lại do nhu cầu thiết thực của người dân.
Nhiều người lo ngại chợ nổi sẽ "chìm" dần, biến mất hoàn toàn vào quá khứ. Hồi sinh, vực dậy hay giữ lại chợ nổi bằng cách nào?... Bởi chợ mất đi không chỉ sẽ mất đi một phần ký ức trăm năm của người dân vùng sông nước mà còn mất đi sức hút của một sản phẩm du lịch từ lâu đã thành thương hiệu.
Người quan tâm mong muốn phải duy trì, gìn giữ chợ nổi. Trong khi chính người dân địa phương lại rời bỏ cách sinh hoạt chợ nổi vì không còn phù hợp với cuộc sống mới. Đó mới là mấu chốt của vấn đề. Câu chuyện chợ nổi có phải là mâu thuẫn giữa mong muốn của người quan tâm và nhu cầu thiết thực những người trong cuộc?
Vực dậy chợ nổi bằng biện pháp bảo tồn gắn với hoạt động du lịch là điều tốt đấy chứ, nhưng có thể khiến chợ nổi thay đổi thêm hoặc thay đổi hoàn toàn so với xưa. Nên cần thận trọng, khéo léo với tác động, giải pháp hợp lý. Bởi rõ ràng có sự khác biệt giữa những điều phục dựng, tái hiện, chỉ là sản phẩm du lịch và sự thật đời sống vốn dĩ đang diễn ra.
Sức sống, nét văn hóa của chợ nổi đâu chỉ là con nước, những xuồng ghe với phong phú trái cây miệt vườn, ẩm thực rất đặc trưng rất dễ thấy ngay mà còn là sự mộc mạc, chân chất trong lối sống, sinh hoạt thường ngày của người dân thật sự sống, gắn bó cùng chợ nổi.
Cộng đồng địa phương và nhu cầu thật sự của họ mới chính là hồn cốt quyết định sức sống, sự tồn tại tự nhiên, sinh động nhất của chợ nổi.
No comments