Đi chợ nổi, du khách nước ngoài than bị 'tra tấn' bởi tiếng ồn karaoke - Diễn Đàn Du Lịch

Breaking News

Đi chợ nổi, du khách nước ngoài than bị 'tra tấn' bởi tiếng ồn karaoke

Ông Martin Stiermann - Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP

Ông Martin Stiermann - Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP

Chuyện làm cách nào cứu các chợ nổi miền Tây đang "chìm" dần tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhiều bạn đọc.

Là giám đốc một công ty chuyên kinh doanh dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng ở huyện Phong Điền (TP Cần Thơ), ông Martin Stiermann (quốc tịch Đức) đã có những chia sẻ và đề xuất giải pháp để chợ nổi miền Tây tìm lại thế mạnh vốn có.

Tuổi Trẻ Online giới thiệu ý kiến của ông Martin Stiermann.

Chợ nổi mất dần chất sông nước miền Tây

Tôi thường đi tàu chở khách tham quan chợ nổi Cái Răng và chợ nổi Phong Điền. Điều tôi cảm nhận là chợ nổi Cái Răng rất khác so với trước đây.

Còn nhớ tại một hội thảo, tôi đã góp ý là làm gì thì làm, phải hạn chế, không nên để quá nhiều bê tông vì nó sẽ làm mất đi tính tự nhiên của chợ nổi. Nhưng như mọi người thấy, giờ đây với công trình bờ kè bê tông hiện tại, số lượng ghe tàu ở chợ nổi Cái Răng ngày càng ít đi.

Về hoạt động của thương hồ trên chợ nổi, với số lượng tàu ghe không còn nhộn nhịp như trước, du khách đến đây xem cảnh mua bán nông sản sau này hầu như không còn gì để xem nữa.

Chợ nổi Cái Răng khá êm đềm, những hoạt động thuần Việt trên chợ nổi không còn nhộn nhịp như trước đây nữa và tôi thấy bản chất của chợ nổi đã mất đi.

TP Cần Thơ có điểm nổi bật nhất là chợ nổi Cái Răng, khách đến Cần Thơ là đi tham quan chợ nổi Cái Răng, nhưng chợ nổi này đã không còn như trước đây. Trong khi đó cùng là chợ nổi, nhưng khi tham quan chợ nổi Phong Điền đa số khách lại thích thú hơn. 

Dù không lớn, nổi tiếng và hiện đại bằng chợ nổi Cái Răng, nhưng chợ nổi Phong Điền vẫn còn giữ chất thuần Việt, thuần miền Tây sông nước hơn.

Công trình bờ kè hai bên bờ khu vực chợ nổi Cái Răng - Ảnh: CHÍ QUỐC

Công trình bờ kè hai bên bờ khu vực chợ nổi Cái Răng - Ảnh: CHÍ QUỐC

Tháng trước, tôi và gia đình có đi qua Vĩnh Long, có tham gia tour đi trên sông Cổ Chiên, đi lò gạch, đi những nhà dừa (coco home) dù không quá đặc sắc nhưng lại đậm chất miền Tây sông nước.

Nhưng khi quay ngược lại Cần Thơ mới thấy chợ nổi Cái Răng ngày càng hiện đại hóa, mất đi hết chất miền Tây.

Du khách nước ngoài đăng trên Facebook và các diễn đàn cho biết khi đến Cần Thơ hiện nay không còn cái chất như trước nữa, họ cảm thấy thất vọng và nếu như tiếp tục như vậy thì chợ nổi Cái Răng ngày càng ít khách hơn.

Tôi mong muốn chính quyền địa phương làm sao nâng chất miền Tây sông nước ở chợ nổi này. Đầu tư cái này cái kia là tốt, nhưng cần theo hướng mà du khách thực sự mong muốn.

Tiếng ồn tra tấn du khách

Bây giờ đường sá ngày càng nhiều, những chiếc cầu cũng nhiều hơn, tốt hơn cho vận chuyển đường bộ nhưng ảnh hưởng tới thương hồ chợ nổi. Hoạt động vận chuyển, buôn bán trên tàu chuyển dần sang đường bộ, tác động tới cuộc sống của họ là điều khó tránh khỏi.

Vì vậy chính quyền có thể hỗ trợ người dân sinh sống và buôn bán trên chợ nổi, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn, lớn hơn với họ.

Chẳng hạn kinh doanh buôn bán trên bờ thì chính sách thuế giữ nguyên, nhưng đối với người buôn bán trên sông như ở chợ nổi Cái Răng thì giảm thuế, tăng hoạt động hỗ trợ để họ thấy chính quyền địa phương còn quan tâm tới mình.

Hoặc có thể hỗ trợ hoạt động du lịch ở đây qua việc may, mua áo bà ba, trang phục truyền thống miền Tây cho phụ nữ buôn bán trên tàu.

Với các thành phần khác trong ngành du lịch, tôi thấy cũng có thể hỗ trợ thương hồ bằng cách khi tổ chức tour cho du khách có thể kết hợp mua nông sản, sản phẩm khác ở chợ nổi, để góp phần giữ việc buôn bán của thương hồ ở đây.

Cá nhân tôi cũng có lúc thay vì những món hàng ở trên bờ nhưng ở chợ nổi có, tôi đều chọn mua, hoặc uống cà phê ở chợ nổi thay vì uống trên bờ...

Nói tóm lại là phải tạo điều kiện tối đa để thương hồ duy trì hoạt động buôn bán của mình.

Ông Martin Stiermann cho rằng cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho những người kinh doanh, buôn bán trên chợ nổi - Ảnh: CHÍ QUỐC

Ông Martin Stiermann cho rằng cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho những người kinh doanh, buôn bán trên chợ nổi - Ảnh: CHÍ QUỐC

Một điều tôi muốn góp ý là vấn đề rác thải ở chợ nổi. Ở đây người bán hay sử dụng ly nhựa, điều này không tạo ấn tượng tốt cho du khách quốc tế. Có thể đổi sang vật liệu thân thiện hơn hoặc sử dụng loại ly nào có thể sử dụng được nhiều lần.

Và có một vấn đề quan trọng nữa là tiếng ồn, đặc biệt là karaoke.

Du khách nước ngoài đến đấy nói với tôi Việt Nam nói chung, miền Tây nói riêng rất đẹp, ẩm thực, văn hóa đều rất tuyệt vời, nhưng tiếng ồn khiến họ rất thất vọng, không muốn đến lần thứ hai.

Từng dẫn khách đến chợ nổi Cái Răng, tôi thấy ở đây ngày càng nhiều ghe, tàu mang thiết bị karaoke ca hát ồn ào như tra tấn.

Với dân địa phương thì không sao, nhưng điều đó thật sự kinh khủng đối với du khách, đặc biệt du khách quốc tế, khiến họ không muốn đến lần thứ hai.

Nên có ghe thuyền, quà lưu niệm đặc trưng

Các tỉnh miền Tây nên liên kết làm du lịch sông nước. Ví dụ như nhà trưng bày hiện vật, quà lưu niệm đặc trưng và có dẫn giải lịch sử, chùa, đình… theo phong cách đặc trưng của từng dân tộc, từng tôn giáo.

Ngoài ra, trên sông có những kiểu ghe, thuyền du lịch đặc trưng theo từng dân tộc và do người dân tộc đó trực tiếp vận hành và phục vụ, biểu diễn nghệ thuật dân tộc. Các món ăn trên thuyền cũng là món ăn dân tộc đó, kết hợp ẩm hợp miền Tây…

Và một điều đặc biệt lưu ý là hai bên sông nên quy hoạch làm du lịch hạn chế xây khu dân cư. Thay vào đó, xây dựng các công trình kiến trúc đặc trưng của từng dân tộc ở miền Tây.

Bạn đọc Coc

Chợ nổi Cái Răng giờ đã khác, chợ nổi Cái Bè Chợ nổi Cái Răng giờ đã khác, chợ nổi Cái Bè 'chìm' dần

Một ngày giữa tháng 7, sau khi mua vé, chúng tôi được một ghe nhỏ từ bến Ninh Kiều đưa tham quan chợ nổi Cái Răng. Dọc khoảng 6km đường sông từ bến Ninh Kiều tới chợ nổi Cái Răng, tàu chở khách du lịch lớn nhỏ các loại chạy nườm nượp.

No comments

Nuoc Hoa Xach Tay