Khí chất Nguyễn Sự và đằng sau câu chuyện Hội An
Ông kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về gánh hàng rong của người phụ nữ Hội An bán món chè đậu ván mà ông mô tả là tuyệt vời. Rồi ông rút ra bài học về quản lý nhìn từ gốc rễ của văn hóa. Món chè này nổi tiếng vì khi đun xong hạt đậu còn nguyên không hề bị xây sát chứ chưa nói đến là bị nát, được hòa quyện vào sự ngọt ngào của nước đường. Bí quyết của món chè này lại hết sức đơn giản: người nấu chè khéo léo pha trộn một loại đường mía thấp cấp dành cho người nghèo và một ít đường phèn là loại đường cao cấp nhất dành cho giới thượng lưu.
Theo ông Nguyễn Sự, văn hóa Hội An cũng chính là vậy: là sự kết hợp của thứ bình dân nhất với thứ cao cấp nhất. Ông kể lại câu chuyện chè đậu ván và nêu ví dụ Chùa cầu ở Hội An.
Người dân Hội An có thể đến từ nhiều vùng đất khác nhau nhưng họ chung sống trong hòa bình, một người đạp xích lô có thể uống cà phê sáng với một ông tỷ phú và trả tiền cho nhau như một việc bình thường.
Rồi ông bảo, người Hội An vẫn phải bắt kịp cuộc sống hiện đại, không tụt hậu nhưng không đánh mất mình. Theo cái cách ông lý giải thì, văn hóa Hội An không phải là cái bất biến mà luôn chuyển động không ngừng, dung nạp những thứ phù hợp và khai trừ những thứ không phù hợp. Do vậy, ông tâm niệm việc bảo tồn các di sản ở Hội An không phải giữ những di tích của quá khứ chỉ để ngắm nhìn như trong các bảo tàng. "Bảo tồn phải mang yếu tố "động", tức phải biến Hội An thành một di tích sống để người tham quan nhìn thấy được nhịp sống thực tại ở Hội An; mỗi ngôi nhà, mỗi con đường, mỗi góc phố Hội An phải gắn liền với đời sống của người dân. Có như vậy, văn hóa mới được nối dài"- ông Sự nói.
Xuất phát từ tâm niệm đó, ông bảo thời ông còn làm Chủ tịch, rồi Bí thư Hội An, ông luôn trăn trở tìm cách khơi mở những chính sách cho phép người dân được chủ động và sáng tạo trong việc chỉnh tu những căn nhà cổ thuộc dạng di sản nhưng vẫn giữ nguyên trạng di sản (ví dụ như cho phép người dân bán vé tham quan nhà di sản, không thu thuế...). Đồng thời, ông chủ động có những quyết sách để tạo ngân sách hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cổ như bán vé tham quan trọn gói vào phố cổ Hội An nhằm trích phần lớn tổng doanh thu từ vé cho quỹ trùng tu, tôn tạo di tích.
Trong những năm qua các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, ít nhiều đang mất đi cái văn hóa gốc của nó. Ví dụ cái thanh lịch của người Tràng An đang nhường chỗ cho văn hóa pha trộn từ các vùng miền khác nhau. Hội An thì sao, thưa ông?
- Ông Nguyễn Sự: Trong lịch sử nhiều thăng trầm của di sản văn hóa Hội An, có những thời điểm Hội An vốn là khu đô thị sầm uất nhưng bị rơi vào quên lãng. Năm 1999, khi UNESCO ghi tên Hội An vào danh sách các di sản thế giới, đô thị cổ Hội An dần phồn vinh trở lại nhờ những hoạt động du lịch. Đó là điều may mắn, nhưng cũng đặt Hội An vào thế nguy hiểm nếu lãnh đạo không tỉnh táo để Hội An phát triển một cách quá nhanh chóng, và một bộ phận người Hội An đánh mất mình vì những toan tính kinh tế. Có một thời kỳ người ta đã lên cả một kế hoạch hình thành một "phố Tây" ở Hội An.
Mình nói với anh em: khách Tây đến Hội An để tìm đặc trưng của Hội An, đặc trưng của Việt Nam chứ không phải tìm thứ mà họ đã có. Nếu tư duy như vậy thì văn hóa Hội An sẽ mất và bị thay thế bằng thứ văn hóa khác. Một thứ văn hóa Tây không ra Tây, ta không ra ta. Người ta có thể biến đồng ruộng thành đô thị, nhưng trong lịch sử tôi không thấy ai biến đô thị thành đồng ruộng hết.
Và cũng chính ông là người "chống lại" kế hoạch xi măng hóa Hội An?
- Ông Nguyễn Sự: Mình không cho rằng phát triển Hội An theo hướng "xi măng hóa" là một hướng đi không đúng! Hội An phải là một điểm đến sinh thái trước khi là điểm đến văn hóa và điểm đến du lịch. Hội An cần thu hút khách du lịch vì những dòng sông, những rặng dừa, những cánh đồng rau hơn là những khối bê tông vô hồn; phải tạo ra ý thức tôn trọng thiên nhiên, biết nương tựa vào tự nhiên và không cách biệt với tự nhiên, từ người quản trị cho đến người dân.
Mình nói với anh em: Hãy lưu ý rằng, cái gì làm thì dễ mà sửa thì khó, hãy vô cùng thận trọng. Khi một mảnh đất còn trống thì hãy nghĩ một điều: không nên xây cái gì chứ ko phải là nên xây cái gì, bởi vì xây rồi thì khó làm lại.
Chủ trương đầu tiên của ông sau khi Hội An trở thành di sản văn hóa thế giới là gì?
- Ông Nguyễn Sự: Không cho phép các nhà mặt tiền trong phố cổ trưng bày sản phẩm ra vỉa hè, chỉ trưng bày trong nhà. Trong khi đó vỉa hè được làm thông thoáng, chỉ cho phép những người dân bán hàng rong. Ban đầu, chủ trương này của chúng tôi bị người dân phản ứng quyết liệt. Gần một năm sau người dân mới dần chấp nhận và quen với nếp trật tự này.
"Có những sự việc mà thời còn làm lãnh đạo Hội An mình cho làm, mà nếu áp dụng bây giờ thì có chuyện phải ra tòa rồi. Ví dụ mình cấm người dân Hội An bán các mặt hàng dễ gây cháy nổ"- ông Nguyễn Sự nói.
Thời ông Sự còn làm Chủ tịch và sau đó là Bí thư Hội An. Chuyện về các "lệnh cấm" có một không hai của ông được lan truyền khắp các mặt báo. Thời ấy, khi mà các dịch vụ xông hơi, massage từ các thành phố lớn tràn về các thị trấn, thì ở Hội An ông ban hành hẳn một chỉ thị nghiêm cấm các khách sạn, các điểm dịch vụ nghỉ ngơi mở dịch vụ tẩm quất, tắm hơi, massage. Quyết liệt hơn thế, ông còn quy định, "nam chỉ được hớt tóc nam, nữ hớt tóc nữ" chứ không lẫn lộn.
Ông bảo: "Thực ra mà nói thì massage bản thân nó không xấu. Nhưng vì nó biến tướng, có lúc dữ dội, nên tôi cấm".
Có lãnh đạo địa phương nọ xách mé, nghe được, ông Sự tuyên bố: "Tôi bảo tôi cấm, anh nào thích thì đem về địa phương anh ấy quản lý mà mở. Còn ở Hội An là không được".
"Ban đầu thì người ta cũng phản ứng, lâu dần thành quen nên người dân người ta ủng hộ. Anh em cứ nói mình là "vì quản lý không được cho nên mới cấm". Tôi bảo: "Vâng, tôi không quản lý được nên tôi cấm. Khi nào tôi quản lý được thì tôi cho mở. Còn ông nào mà nói cho mở nhưng vẫn quản lý được thì lên mà làm". Mở thì có nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Nữ hớt tóc, ngoáy tai cho nam, đứng bên trái ngoáy tai bên phải mà không sinh ra tệ nạn xã hội mới là lạ"- ông Sự cười.
Rồi ông kể tiếp: "Có một khách sạn doanh nghiệp nhà nước xây phòng massage. Chị Thắng (Võ Thị Thắng lúc bấy giờ là Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch-NV) bảo với tôi rằng: "Anh cho họ làm dịch vụ đi để khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao". Tôi bảo: "Hội An không cần có những dịch vụ như thế để lên 4 sao, 5 sao". Cuối cùng khách sạn đó phải bỏ massage và cải tạo lại thành phòng ngủ".
Bây giờ nghĩ lại, ông có thấy hồi ấy làm như thế là quá cực đoan không?
- Ông Nguyễn Sự: Bây giờ mà bảo anh em lãnh đạo làm như vậy thì không được. Làm như vậy có khi bị kiện ra tòa. Cũng như chuyện Hội An cấm ô tô, rồi tiếp theo cấm xe máy vào phố cổ. Thực ra những chuyện cấm đoán như vậy không thuộc thẩm quyền thành phố, nhưng Hội An cứ làm bừa. Nhưng mình cứ "làm bừa" đi. Tuy nhiên những quyết định như vậy lại được người dân ủng hộ. Mà có lợi cho dân, được dân ủng hộ thì mình làm. Nhớ Cụ Hồ nói: "Cái gì lợi cho dân thì hết sức làm, cái gì hại cho dân thì phải hết sức tránh". Mình làm như vậy là có lợi cho dân. Chưa nói về lợi ích vật chất mà nó mang lại lợi ích về môi trường, lợi ích an toàn giao thông, an toàn xã hội.
Bây giờ cái gì chúng ta cũng đem luật ra soi. Luật là đúng. Nhưng thực hiện pháp luật cũng phải căn cứ vào từng tình huống cụ thể, đặc thù của hoàn cảnh cụ thể. Có những tình huống thực tế ở Hội An không giống ai nên phải có cơ chế ứng xử với nó không giống ai.
Công lao của ông thì được ghi nhận bằng Danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới và các huân, huy chương khác rồi. Nhưng nếu nhìn lại 21 năm lãnh đạo Hội An có điều gì mà bây giờ cho anh làm lại anh sẽ làm khác đi không?
- Ông Nguyễn Sự: Có, có nhiều chứ. Giờ mình không nói những cái làm trúng nữa mà chỉ nói về những cái làm trật. Có những cái làm trật là do, thứ nhất, thiếu suy nghĩ chín chắn. Thứ hai là thiếu tầm nhìn. Thứ 3, nói thẳng ra là dốt. Nôn nóng vì sự phát triển. Mình lấy một cái thí dụ đó là cấp phép cho làm một loạt resort ven biển. Nếu được làm lại mình không bao giờ cho làm như vậy.
Hồi ấy kêu gọi các nhà đầu tư vào Hội An nhưng có ai chịu đầu tư đâu. Sau người ta đầu tư vào làm resort ven biển. Mình lại coi đó là thành tích. Đó là việc làm công và tội lẫn lộn. Tuy nhiên xét về động cơ thì cũng chỉ nghĩ vì sự phát triển của Hội An chứ không có lợi ích cá nhân nào ở đây cả, nhưng xét về trách nhiệm thì mình thấy mình thật sự đáng tiếc và đáng trách.
"Vụ án" hoa sữa cũng là một ví dụ điển hình. Thú thiệt là do mê thơ, mê nhạc về cây hoa sữa Hà Nội nên mình chủ trương cho trồng. Đến khi cây lớn, hoa nồng quá khiến dân không chịu nổi, lại phản ứng, còn nhè lực lượng quản lý đô thị mà chửi. Khi đó, mình đứng ra trước dân, thành thực: "Đó không phải là lỗi của anh em quản lý đô thị mà là lỗi của tôi. Tôi yêu cầu anh em làm như thế, vì kiến thức về đô thị của tôi quá dốt, quá tồi". Mình xin lỗi người dân, hứa với họ sẽ khắc phục những sai lầm của mình. Sau đó mình yêu cầu chặt toàn bộ hàng hoa sữa và thay bằng loại cây khác.
Lại một sai lầm nữa: năm 1997, khu phía bên kia bờ sông Bạch Đằng chỉ là một khu nhà xập xệ với những bãi rác bẩn thỉu. Lúc ấy có một doanh nghiệp xin khu đất đó làm nhà hàng. Khi nhà hàng xây xong, nhiều người, kể cả báo chí đã bất bình về việc đối diện khu phố cổ mọc lên một kiến trúc hiện đại kiểu kệch cỡm, có nguy cơ phá hỏng không gian Hội An.
Lúc đó mình mới hiểu là mình đã phạm một sai lầm nghiêm trọng. Ngay lập tức mình tổ chức một cuộc họp, quyết định phải phá bỏ nhà hàng đó. Chúng tôi phải bồi thường cho chủ nhà hàng để vận động doanh nghiệp ấy phá dỡ ngôi nhà. Đó là bài học mà mình đã học được bằng học phí vô cùng đắt đỏ lấy từ tiền thuế của dân.
Có người từng nhận xét, may mắn lớn nhất trong cuộc đời của một nhà lãnh đạo là được người dân tin và yêu nhiều hơn ghét và oán. Với ông Nguyễn Sự thì sao?
- Ông Nguyễn Sự: May mắn lớn nhất của mình là được làm một công dân Hội An, được làm việc tại Hội An. Thứ hai là, được các đồng chí lãnh đạo cấp trên mình, được các anh chị lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ đều thấu hiểu mình. Có nhiều khi giờ nghĩ lại mình thấy mình vô lễ thật, cãi lại cấp trên, nhiều khi nói rất gay gắt khi mình bức xúc. Lý ra mình phải thông cảm, bình tỉnh, lý giải vấn đề có tình có lý.
Nhưng các anh ấy thông cảm, thấu hiểu. Cả cuộc đời làm lãnh đạo mình không bị ai trù dập, không bị ai gây khó trong giải quyết công việc. Đó là điều hạnh phúc cho mình. Thực ra thì nếu cấp dưới biết can ngăn, mạnh dạn can ngăn đúng thì cấp trên sẽ nghe. Hồi bấy giờ tính mình thì quyết đoán, nhiều khi cứng nhắc. Nhưng ai cũng hiểu vì mình không vụ lợi trong các quyết sách về Hội An.
Vâng, ông Sự là thế! Người dân, bạn bè, cộng sự yêu quý ông vì đức tính chính trực và liêm khiết. Nhà báo Nguyễn Trung Hiếu từng kể trên báo Lao động rằng: "Tết năm 2012, tôi tình cờ chứng kiến cuộc "trả giá" giữa ông Nguyễn Sự với một chủ doanh nghiệp tại nhà riêng. Hai phong bì mấy chục ngàn đô la Mỹ được mang tận tay đến ông để "cảm ơn" về phi vụ chuyển nhượng thành công một resort ven biển.
Kẻ đưa, người chối, giằng co và cuối cùng một giải pháp được đưa ra. Ông Sự nói: "Tôi không nhận tiền này, hai ông thêm tiền vào và mua một cái máy chẩn đoán hình ảnh tặng cho Bệnh viện Hội An". Và sau tết một máy scan chẩn đoán hình ảnh mới tinh đã được đưa đến đúng địa chỉ"
Thưa ông, khi còn làm lãnh đạo Hội An thì các quyết sách của ông thường được hình thành như thế nào?
- Ông Nguyễn Sự: Thực ra mình không được học hành nhiều, cũng không tài giỏi gì. Có điều mình lắng nghe anh em. Từ suy nghĩ, ý tưởng của anh em, của cộng sự, cấp dưới mà mình đúc kết lại, gút lại thành ý tưởng của mình và sau đó biến nó thành chủ trương và hành động.
Ví dụ, ban đầu mình có hiểu phố cổ là gì đâu. Hồi mình còn làm Chủ tịch Hội An. Nhóm anh em bảo tồn làm một dự án nghiên cứu, bảo tồn phố cổ Hội An và xin kinh phí để triển khai. Tuy ký quyết định cho làm nhưng trong bụng nghĩ: cổ cái gì, giá trị toàn cầu cái gì mà nghiên với cứu. Mấy ngôi nhà hôi mốc rình rình, dơi chuột nó ở nó ỉa đầy trong đó. Mấy cha nội này xin tiền để làm. Các ông bày đặt ra để lấy ngân sách tiêu cho đã thôi.
Mình nghĩ thì như vậy nhưng không dám nói ra. Vì nói ra sợ anh em lại bảo mình dốt. Nhắm mắt ký. Nhưng ký xong mình vẫn không yên tâm, nên mình theo anh em để giám sát công việc. Mình dành ra cả tháng trời đi lại khắp các hang cùng ngõ hẻm của từng con phố. Cứ hết giờ làm việc là mình đi.
Chưa bao giờ về nhà trước 12h đêm, nắng cũng như mưa. Đi nhiều tới mức, con phố nào đó có một viên đá lót đường bị lệch, hay là cửa sổ của một ngôi nhà nào đó vừa được sơn lại mình đều nhận ra ngay. Rồi mình nghe ngóng người dân người ta nói. Ngồi họp, ban bạc với anh em nhóm bảo tồn. Vừa nghe, vừa học. Rồi mình ngấm và ngộ ra nhiều điều.
Còn có những việc gì mà tình cờ ông bất chợt phát hiện ra trong cuộc sống sau đó nó trở thành một chủ trương hay quyết sách không?
- Ông Nguyễn Sự: Kể anh nghe. Một lần mình ngồi nghỉ mát ở bờ sông bên này, nhìn sang bờ sông bên kia. Một nhà hàng ăn uống được thành phố cấp phép vừa khai trương. Nơi đó trước đây là một bãi rác. Bỗng nhiên mình nhìn thấy một cậu thanh niên nhậu xong, từ nhà hàng đi ra bờ sông và vạch quần tè suống sông. Mình điên quá, nghĩ: "Dứt khoát phải xắp xếp lại trật tự". Về họp lại lãnh đạo và đưa ra ý kiến. Tập thể nhất rí cao. Đến hôm nay khu vực này đã hình thành một khu phố An Hội khang trang đẹp đẽ. Đôi khi mình cứ có ý nghĩ khôi hài: Nếu tìm lại được cậu thanh niên đái bậy kia chắc phải cấp cho một cái giấy khen.
Đôi khi những quyết sách nó xuất phát từ thực tế như vậy chứ có phải lãnh đạo là thánh đâu mà cái gì cũng nghĩ ra được. Một thí dụ nữa, khi chúng tôi đi ca nô ra Cù Lao Chàm thấy mấy túi ni lon nổi lềnh bềnh trên mặt nước rất phản cảm. Tôi liền nói với anh em cán bộ đi cùng: "Dứt khoát phải lấy Cù Lao Chàm làm điểm không sài túi ni lon". Đó, ban đầu mình đâu có ý tưởng như vậy, nhưng khi nhìn thấy thực tế nó thế là mình quyết thôi.
Để đạt được kết quả mà mình mong muốn, mình ngồi suốt hai ngày trước cửa chợ, ai mua caphê mà xách túi nilon mình bắt phải trả lại, riết dân quen dần. Bên cạnh đó, mình phát động anh em trong UBND ngồi ngay đầu cầu Cửa Đại, thấy ai xách bao nilon về Cù Lao Chàm chặn lại hết, hỗ trợ hết mình cho bà con về bao giấy để gói tất cả các loại đồ, trừ cá tươi thì phải để vào giỏ. Như vậy là đến hôm nay 15-16 năm rồi, Cù Lao Chàm sài túi giấy thay túi ni lon.
Còn "Đêm phố cổ" cũng như vậy. Năm 1998, một tối mình ngồi caphe với mấy anh em ở một nhà hàng ven sông. Khi ấy chưa có lưới điện quốc gia. Nhà hàng chạy điện máy nổ. Hết điện, ánh trăng lách qua tán lá chiếu xuống bàn caphe. Cô chủ quán lập tức thắp nến thay đèn. Rồi các nhà trên con phố ấy cũng đều làm như thế. Hôm ấy là 13 tháng 7 âm lịch. Thế là mình nghĩ cần có một đêm Hội An, tắt hết điện, chỉ thắp đèn lồng, không tiếng xe ô tô, không xe máy. Cả Hội An trở thành một sân khấu. Tạm lấy tên là "Đêm rằm phố cổ". Mình giao cho anh em lập thành đề án và triển khai.
Đêm Phố cổ Hội An được hình thành như thế. Đèn lồng Hội An cũng trở thành món quà lưu niệm về Hội An và cũng từ đó mà đi khắp các vùng miền của đất nước vả ra cả thế giới.
Dẫn thêm một ví dụ nữa: một hôm, khoảng 8h sáng, Mình xách xe máy chạy vòng vòng ra ngoại ô. Ra đến đầu con đập nước cạn thì gặp một tốp người. Thanh niên có, bô lão có, cùng một đàn trâu đang tụ tập ở đó. Mình hỏi: "Có chi rứa?". Mấy cậu thanh niên bảo có một đoàn khách Pháp thuê trâu để họ dắt xuống sông tắm và chơi đùa với trâu. Mình tò mò xuống xe ngồi chờ. Một lúc sau nhóm khách du lịch Pháp đến, đưa trâu xuống sông, tắm cho trâu, cưỡi trâu và chơi đùa rất thỏa thích.
Về lại Trụ sở UBND mình chỉ đạo cho anh em xuống khảo sát về lập thành kế hoạch, quy hoạch nơi chốn cụ thể, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con và hình thành một "bộ môn thể thao" chơi với trâu cho khách du lịch thập phương.
Nhấp một ngụm cà phê, rít một hơi Ba số, nhả khói từ từ, ông Sự nói tiếp: "Đấy, sáng kiến cũng là của người dân, ý tưởng cũng là từ người dân, mình chỉ là người cùng các cộng sự, cấp dưới, tập thể lãnh đạo tập hợp lại, biến nó thành chủ trương, thành quyết sách để phục vụ lại người dân mà thôi".
Chia tay ông Sự. Cưỡi chiếc xe máy đời đầu cà tàng, ông còn kịp ngoái lại chào chúng tôi: "Thăm thú hết Hội An chưa? Nếu chưa thì đi tiếp đi nhé!"
No comments