Du lịch âm nhạc đang ‘được mùa’ ở Việt Nam?
Nhà sản xuất Flamingo Đại Lải Resort và công ty tổ chức biểu diễn Ngọc Việt cho biết sân khấu của Soul of the forest - Giai điệu của rừng thông mùa hai vẫn ở trung tâm của khu bảo tàng nghệ thuật ngoài trời của điểm đến này, nhưng được mở rộng lên 700 chỗ ngồi thay vì 500 chỗ của mùa trước.
Mùa một chương trình này đã đón hơn 10.000 khán giả.
Đà Lạt đón đầu xu thế du lịch âm nhạc
Soul of the forest - Giai điệu của rừng thông không chỉ là một show nhạc đơn thuần. Chương trình sẽ là một chuỗi trải nghiệm đa tầng cảm xúc khi khán giả được kết hợp thưởng thức âm nhạc giữa sân khấu ngoài trời giữa rừng thông, bên hồ nước.
Trước khi nghe nhạc, khán giả có thể khám phá bảo tàng nghệ thuật giữa thiên nhiên của nơi này, với các tác phẩm kiến trúc, điêu khắc, hội họa, nghệ thuật cảnh quan land art đặc sắc.
Và thưởng thức bữa tối ngôn miệng trước khi bắt đầu với âm nhạc. Trong show đầu tiên của mùa hai vào đêm 7-9 tới, khán giả yêu nhạc sẽ được nghe Văn Mai Hương và Bùi Lan Hương hát giữa rừng thông. Sau đó sẽ là Hương Tràm, Tăng Phúc…
Nếu khách có điều kiện có thể thuê phòng nghỉ đêm, tận hưởng những dịch vụ du lịch hấp dẫn ở điểm đến đang được người Hà Nội thích thú này.
Đây cũng chính là một mô hình du lịch âm nhạc điển hình, đang khá phát triển ở Việt Nam mấy năm gần đây.
"Đó là mô hình người ta đi đến một điểm đến nào đó chỉ để thưởng thức âm nhạc là chính, sau đấy mới là các trải nghiệm du lịch khác. Đà Lạt là nơi đầu tiên khai mở xu hướng du lịch âm nhạc ở Việt Nam", TS Trịnh Lê Anh, giảng viên tại khoa Du lịch học, Trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ với Tuổi Trẻ Online.
Theo quan sát của ông Trịnh Lê Anh, một cách không chính thức thì có thể coi show See sing and share - Gấu vào cuối tháng 12-2018 của Hà Anh Tuấn tại Đà Lạt chính là show đánh dấu cho mô hình du lịch âm nhạc có mặt ở Việt Nam.
Kể từ đó, người hâm mộ Hà Anh Tuấn ở khắp nơi trên đất nước đã đặt cả chuyến đi đến Đà Lạt hay Ninh Bình… để được nghe concert của nam ca sĩ. Nhiều người sẽ ở lại đó đôi ba ngày để đi chơi, tận hưởng không khí, cảnh quan của địa phương.
Theo ông Trịnh Lê Anh, mô hình này góp phần làm cho thú thưởng thức âm nhạc của giới mộ điệu được đa dạng, đa tầng hơn.
Nhiều điểm du lịch thử sức
Ông Lê Anh cho biết, sau Đà Lạt, các địa điểm khác ở cả nước cũng bắt đầu đón nhận mô hình du lịch mới này.
Có thể nói Đại nhạc hội 8Wonder Winter Festival với màn trình diễn của các nghệ sĩ đẳng cấp quốc tế đã hâm nóng du lịch Phú Quốc mấy năm qua.
Trong khi những live concert lớn như của Hà Anh Tuấn ở Đà Lạt, Ninh Bình, 8Wonder Winter Festival, show của BlackPink chưa có nhiều thì những mô hình du lịch âm nhạc nhỏ hơn được nhiều nơi lựa chọn.
Đầu tiên là mô hình Mây lang thang ở Đà Lạt đã manh nha mô hình du lịch âm nhạc, có trước cả show của Hà Anh Tuấn, tuy chưa phải là chuẩn mực của du lịch âm nhạc.
Sau đó nhiều điểm đến du lịch cũng bắt đầu dựng sân khấu âm nhạc biểu diễn định kỳ để đón khách nghe nhạc kết hợp du lịch.
Soul in the forest ở Flamingo Đại Lải Resort, Hoa bay ở Tam Đảo, Thung lũng ngân nga ở Tú Lệ, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, … ra đời trở thành mô hình du lịch âm nhạc "nhỏ xinh rất phù hợp với Việt Nam", theo quan sát của ông Trịnh Lê Anh.
Ngay cả Hà Nội cũng không bỏ qua mô hình du lịch mới mẻ này. HAY glamping music festival - mô hình mà các bạn trẻ cắm trại (glamping) tại công viên Yên Sở để nghỉ ngơi, ăn uống và nghe nhạc suốt từ chiều tới đêm đã thu hút khá đông bạn trẻ.
Ông Lê Anh nói mô hình cắm trại nghe nhạc suốt mấy ngày là mô hình thu hút đông người trẻ ở các nước Âu, Mỹ và Việt Nam cũng bắt đầu du nhập vì cái gì người trẻ thích thì sẽ được du nhập rất nhanh trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
Việt Nam có tiềm năng lớn cho du lịch âm nhạc
Nói về sự phát triển của du lịch âm nhạc, ông Trịnh Lê Anh nói trước đây du lịch và âm nhạc chưa bắt tay với nhau. Nhưng gần đây các nhà tổ chức phải trở nên đa năng hơn để cung cấp thêm trải nghiệm, người mua vé nghe nhạc có thêm các trải nghiệm phụ khác.
Các doanh nghiệp làm du lịch nhìn thấy cơ hội của mình ở đây. Họ bắt tay với các công ty tổ chức biểu diễn hình thành những liên doanh để tổ chức các hoạt động du lịch âm nhạc.
Và mô hình này đang ngày càng mang lại giá trị kinh tế rất lớn. Có những thành phố ở châu Âu mà ông Lê Anh vừa đến, một năm họ chỉ chuẩn bị cho hai mùa diễn, mỗi mùa 4 đêm vào hai thứ bảy, chủ nhật liên tiếp, là họ đã "ăn đủ". Một đêm họ có thể đón 100.000 khách.
Tất nhiên hiện Việt Nam chưa nơi nào đủ thương hiệu, kinh nghiệm tổ chức để trở thành một Hub (một trung tâm văn hóa sáng tạo thu hút đông đảo du khách khắp nơi trên thế giới) nhưng Việt Nam rất có tiềm năng để trở thành một Hub mới của thế giới.
"Các địa điểm của Việt Nam có vẻ đẹp rất riêng, có sự hấp dẫn mang tầm quốc tế. Chúng ta không tự hào về sự chuyên nghiệp trong dịch vụ nhưng chúng ta có thể tự hào về vẻ đẹp của điểm đến.
Chúng ta có tiềm năng lớn nhưng để hiện thực nó thì còn nhiều việc phải làm. Trước tiên là phải có chính sách chào đón được các ngôi sao, thần tượng hàng đầu quốc tế đến Việt Nam biểu diễn", ông Trịnh Lê Anh nói.
No comments