Đề xuất đưa golf vào môn thể dục ở trường học cấp 1, cấp 2
Ngày 27-11, báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa tổ chức hội thảo "Phát triển bền vững nền công nghiệp golf Việt".
Đưa golf vào trường học
Tại hội thảo, ông Bạch Cường Khang - phó tổng thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam - cho biết tại Việt Nam, golf vẫn còn là một môn thể thao khá xa lạ đối với phần lớn người dân, đặc biệt là ở lứa tuổi thiếu niên và nhi đồng, mặc dù có sự phát triển của các sân golf cao cấp nhưng số lượng các em nhỏ tham gia golf vẫn còn rất hạn chế.
Theo ông Khang, nguyên nhân là do bộ môn này có chi phí đầu tư cao, hạ tầng chưa phát triển đồng bộ, và nhiều người còn xem môn thể thao này là cho người giàu có, không phải của giới trẻ.
Ông Khang gợi mở để phát triển golf trẻ, cần có sự đồng bộ từ cơ sở hạ tầng, chính sách hỗ trợ, nhận thức cộng đồng và chất lượng đào tạo.
"Giải pháp là phát triển chương trình giáo dục golf vào môn thể dục ở trường học, đặc biệt là ở các trường học cấp 1, cấp 2, việc tham gia golf từ sớm có thể giúp các em hình thành những thói quen tốt như sự tập trung, kiên trì và có thể áp dụng vào nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống" - ông Khang cho hay.
Phó tổng thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam dẫn chứng tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan và Nhật Bản, golf đã trở thành môn thể thao phổ biến trong các trường học và trong cộng đồng trẻ.
"Các quốc gia này đã thành công trong việc phát triển các hệ thống đào tạo chuyên sâu cho trẻ em, và nhiều tài năng golf đã được phát hiện, phát triển từ rất sớm.
Điều này góp phần tạo ra những vận động viên tài năng cho đất nước, đồng thời nâng cao vị thế của quốc gia trong các đấu trường quốc tế" - ông Khang nói.
Có sân golf tại một điểm đến sẽ thu hút khách du lịch MICE
Tham luận tại hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Thanh - phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa - cho biết du khách của du lịch golf thường có mức chi tiêu trung bình cao hơn so với các khách du lịch thuộc các loại hình khác.
Việc có sân golf tại một điểm đến cũng là yếu tố thu hút các khách du lịch khác, đặc biệt là khách du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo).
"Các sân golf thường dễ thu hút đầu tư du lịch, cải thiện việc làm, cũng như khả năng cạnh tranh trong khu vực và bù đắp cho đặc tính theo mùa của du lịch truyền thống. Vì vậy du lịch golf đang được xem là "kho báu" cho ngành kinh tế xanh của Việt Nam" - ông Thanh nói.
Ông Nguyễn Ngọc Anh - phó tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng - cho biết quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam tầm nhìn 2030 xác định du lịch golf là một loại sản phẩm chuyên biệt quan trọng, cần được quan tâm đầu tư phát triển mạnh thời gian tới.
Theo ông Anh, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam có đầy đủ tiềm năng và cơ hội để trở thành "thiên đường golf của châu Á", tuy nhiên trên thực tế sản phẩm du lịch golf ở Việt Nam còn hết sức hạn chế do lượng sân golf còn ít.
"Sự liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành và sân golf còn nhiều hạn chế, du lịch golf chưa kết nối với các loại hình du lịch khác như MICE, caravan, chưa có các giải thưởng chuyên nghiệp, các sân golf chưa liên kết với nhau, cũng như chưa có các giải pháp về xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch golf một cách bài bản" - ông Ngọc Anh nói.
No comments