TP.HCM - Thành phố của sự kiện và lễ hội (bài 2): “Đòn bẩy” cho ngành du lịch hướng đến tỷ USD
Nhộn nhịp khách đường sông
Theo ghi nhận của Dân Việt, cứ cuối tuần, toàn bộ đội buýt sông Saigon Waterbus hoạt động hết công suất cũng không kịp phục vụ du khách. Sản phẩm du lịch Saigon River Sightseeing - ngồi trên buýt sông 2 tầng, ngắm hoàng hôn sông Sài Gòn cũng gần như kín chỗ.
Để có trải nghiệm tốt nhất, khách nên đặt trước trên ứng dụng trực tuyến, đến nơi chỉ cần lấy vé và xuống tàu, tận hưởng khung cảnh Sài Gòn - TP.HCM từ một góc nhìn thật khác.
Ông Nguyễn Kim Toản - Giám đốc Công ty Thường Nhật, đơn vị vận hành buýt sông tại TP.HCM, cho biết sản phẩm du lịch này thời gian qua rất hút khách trong và ngoài thành phố, kể cả khách quốc tế. Buýt sông không chỉ đơn thuần là phương tiện đi lại mà hiện đang trở thành trải nghiệm “must-try” (phải thử) của nhiều khách du lịch đến TP.HCM. Vào những dịp sự kiện - lễ hội gần đây của thành phố, khách du lịch tìm đến buýt sông đông hơn nhiều so với ngày thường.
Những ngày này, khách quốc tế đến với Les Rives, công ty chuyên phục vụ tour đường sông bằng cano tại TP.HCM rất nhộn nhịp. Các sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp là đưa khách “về nguồn” Củ Chi, đến Cần Giờ khám phá rừng ngập mặn - “lá phổi xanh” của thành phố, thích thú hòa vào cuộc sống người dân miền biển ở điểm du lịch “hoa nở xứ vàng trắng” Thiềng Liềng, hay xuôi dòng Mê Kông về miền Tây trù phú.
“Khách của chúng tôi chủ yếu là những đoàn MICE (du lịch hội nghị) đã đặt trước đó, lượng khách quốc tế từ tàu biển đến TP.HCM cuối năm cũng tăng cao. Du khách quốc tế đã quay trở lại Việt Nam du lịch, kết hợp cho kỳ nghỉ trú đông và đón năm mới. Cuối năm nay, lượng khách tại công ty chúng tôi tăng mạnh, quay về giai đoạn năm 2019 trước khi có Covid-19 xuất hiện”, bà Liêu Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Les Rives, báo tin vui.
Theo các doanh nghiệp, Lễ hội Sông nước TP.HCM được xem là một cú hích để các sản phẩm du lịch đường sông phát triển và được du khách quan tâm. Trong những ngày diễn ra Lễ hội Sông nước lần 2 năm 2024, theo Sở Du lịch TP.HCM, lượng khách của các doanh nghiệp kinh doanh đường thủy (ẩm thực, vận chuyển…) tăng bình quân 20% so với ngày thường.
Khách du lịch tìm đến với du lịch đường sông cũng nhiều hơn sau Lễ hội Sông nước. Sau hai mùa Lễ hội Sông nước, du lịch đường sông tại TP.HCM có bước phát triển rõ nét. Các công ty cũng không ngừng cải tiến, ra mắt thêm dịch vụ mới như tour ngắm hoàng hôn, xem pháo hoa vào những dịp lễ 30/4, 2/9, đón năm mới… Một số sản phẩm du lịch đường thủy tầm ngắn, tầm trung đưa khách đến Cần Giuộc - Long An, chơi golf ở Đồng Nai cũng đã được ra mắt, đáp ứng nhu cầu đa dạng của đông đảo du khách.
Mở ra cơ hội cùng phát triển
Bà Trần Phương Linh - Giám đốc Tiếp thị Công nghệ thông tin của BenThanh Tourist, đánh giá các sự kiện - lễ hội do TP.HCM tổ chức đã tạo ra nhiều thay đổi tích cực trong nhận thức của người dân và du khách, khơi gợi ở họ niềm hứng thú, sự tò mò và nhu cầu tìm hiểu thêm về TP.HCM. Nhờ sự kiện - lễ hội, du khách tìm đến các sản phẩm du lịch mà các đơn vị lữ hành đang triển khai.
“Chuỗi sản phẩm du lịch TP.HCM và các khu vực lân cận của chúng tôi, nổi bật như Chèo sup lướt sông Sài Gòn, Chèo sup xuyên rừng ngập mặn Cần Giờ hay tour xe đạp Ngày bình yên trên vùng Đất Thép, cùng một số tour kết nối TP.HCM với Đồng bằng sông Cửu Long, khám phá miền Tây sông nước… thường ghi nhận nhu cầu tăng khoảng 15% vào các dịp sự kiện - lễ hội”, bà Linh nói.
Bà Đoàn Thị Thanh Trà - Phó Tổng Giám đốc Lữ hành Saigontourist, cho biết những dịp TP.HCM có sự kiện hay lễ hội lớn như Đường hoa Nguyễn Huệ, Lễ hội Áo dài, Lễ hội Sông nước, Tuần lễ Du lịch TP.HCM, Giải chạy đêm quận 1…, lượng khách mua tour tại công ty tăng cao. Không chỉ mua tour trọn gói, khách hàng còn sử dụng các dịch vụ khác như combo xe, vé máy bay, phòng khách sạn tăng đột biến.
Lữ hành Saigontourist hiện có 7 tour chủ lực thường kết hợp các sự kiện - lễ hội của TP.HCM như Sài Gòn rong ca, Sài Gòn hoài cổ, Biệt động Sài Gòn, combo buýt 2 tầng kết hợp ẩm thực khẩn hoang Nam bộ, Jog - Sup - Spa Sài Gòn, Củ Chi, Cần Giờ. Một tín hiệu tích cực là dòng tour này hiện nay đã được khách trong và ngoài nước ưa chuộng.
“Không chỉ diễn ra dịp sự kiện - lễ hội, hiện các tour này triển khai đều đặn vào cuối tuần với khách lẻ, và hàng ngày với những đoàn khách từ 100-500 khách gồm khách Việt Nam, Việt kiều và khách quốc tế. Năm 2024, nguồn thu mang lại đạt gần 15 tỷ đồng với hơn 4.000 du khách sử dụng dịch vụ”, bà Trà nói thêm.
Tại Vietluxtour cũng thế. Dòng tour tìm hiểu văn hóa - lịch sử Sài Gòn - TP.HCM mà công ty này đang khai thác như Biệt động Sài Gòn, Ký ức Sài Gòn - Chợ Lớn, Sài Gòn xưa - TP.HCM nay, Quận 1 - Sắc màu đêm… đang vào mùa cao điểm đón khách cuối năm, nhất là khách quốc tế. Các tour này dịp lễ hội đã tạo nhiều ấn tượng với du khách gần xa.
Chiến lược phát triển của ngành du lịch TP.HCM hiện nay là tập trung vào nhóm sản phẩm du lịch đặc trưng quận huyện, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch MICE, du lịch đường thủy, du lịch y tế, du lịch nông nghiệp - sinh thái… Đây cũng là nhóm những sản phẩm thế mạnh mà nhiều doanh nghiệp đang triển khai.
Theo các doanh nghiệp và chuyên gia, với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, việc gắn kết sự kiện - lễ hội với các sản phẩm du lịch chủ lực, thế mạnh sẽ giúp khai thác tốt hơn nữa nguồn khách đến TP.HCM tham dự sự kiện - lễ hội.
Kéo khách quốc tế đến với sự kiện - lễ hội
Theo thống kê của Sở Du lịch TP.HCM, 10 tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến TP.HCM ước đạt hơn 4,6 triệu lượt, tăng 12,9% so cùng kỳ năm 2023; khách du lịch nội địa đến TP.HCM ước đạt hơn 30,9 triệu lượt, tăng 1,3% so cùng kỳ năm 2023. Tổng thu du lịch 10 tháng năm 2024 ước đạt 156.649 tỷ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ, đạt 82,4% so với kế hoạch năm. TP.HCM luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về doanh thu du lịch theo từng tháng.
Ngành du lịch TP.HCM đánh giá các sự kiện - lễ hội được tổ chức liên tiếp như Đường hoa Nguyễn Huệ, Lễ hội Đường sách Tết, Lễ hội Áo dài, Lễ hội Sông nước, Lễ hội Bánh mì, Tuần lễ Du lịch TP.HCM… đã giúp thu hút sự chú ý của du khách. Các công ty lữ hành, nhà hàng, khách sạn, điểm đến đều tăng doanh thu, kích cầu du lịch nội địa, góp phần thúc đẩy du lịch thành phố.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, với lễ hội - sự kiện, ngành du lịch TP.HCM có thể bội thu hơn, nhất là nhắm đến khách quốc tế, chứ không chỉ giới hạn phục vụ khách du lịch là người dân thành phố. Du khách nước ngoài có khả năng chi tiêu “mạnh tay”, đem lại doanh thu “khủng” cho du lịch.
Để làm được điều này, các doanh nghiệp du lịch đều cho rằng trước tiên, TP.HCM phải ấn định trước thời gian tổ chức các sự kiện - lễ hội trọng điểm ít nhất trước 1 năm, thậm chí dài hạn hơn. Như vậy, doanh nghiệp mới có thời gian quảng bá, giới thiệu, lên kế hoạch tiếp thị, thiết kế sản phẩm phù hợp cho khách.
Kinh nghiệm từ các quốc gia, không đâu xa - như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… cho thấy họ có “lịch sự kiện - lễ hội” khá chỉn chu, được công bố rộng rãi để du khách thuận tiện tra cứu khi cần, “thôi thúc” du khách lên kế hoạch, dự tính những chuyến đi để tham dự đúng dịp diễn ra sự kiện, lễ hội nào đó.
Bà Trần Thị Bảo Thu - Giám đốc Truyền thông Vietluxtour, thẳng thắn cho biết khách quốc tế tham gia các lễ hội vừa qua tại TP.HCM đa phần vì chương trình tham quan tình cờ trùng dịp lễ hội chứ chưa phải đến từ việc kích cầu, quảng bá. Vì vậy, thông báo kế hoạch, lịch trình sự kiện - lễ hội từ sớm là rất quan trọng.
“Bên cạnh việc tôn vinh các giá trị văn hóa, lịch sử của điểm đến, sản phẩm du lịch sự kiện - lễ hội nên được hoạch định ở góc độ kinh tế du lịch như khai thác và phục vụ các đối tượng khách du lịch ở các thị trường nào, vai trò của các công ty lữ hành, lưu trú, vận chuyển tham gia vào sản phẩm du lịch lễ hội ra sao… Như vậy mới góp phần phát triển kinh tế du lịch của điểm đến hiệu quả hơn”, bà Thu kiến nghị.
Bà Đoàn Thị Thanh Trà - Phó Tổng Giám đốc Lữ hành Saigontourist, cho biết hàng năm, lữ hành Saigontourist tham gia khoảng 30 hoạt động xúc tiến trong và ngoài nước, gồm các hội chợ, sự kiện, hội nghị, roadshow tại các thị trường du lịch trọng điểm như Mỹ, châu Âu, châu Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Philippines.
“Việc xác định sớm thông tin các sự kiện trước 1 năm có vai trò quan trọng trong chiến lược đầu tư xây dựng sản phẩm và chiến lược quảng bá điểm đến của doanh nghiệp du lịch, giúp chiến lược kinh doanh, năng lực phát triển thị trường nguồn khách và quy mô kênh bán của chúng tôi xác định đúng thị trường cần xúc tiến”, bà Trà nói.
Phía BenThanh Tourist đồng tình việc quảng bá sự kiện và lễ hội cần được thực hiện không chỉ trong nước mà còn ra quốc tế. Doanh nghiệp gợi ý TP.HCM có thể tận dụng các nền tảng truyền thông trực tuyến, mạng xã hội, các kênh truyền hình quốc tế để nâng cao nhận diện thương hiệu du lịch, thu hút nguồn khách chi tiêu cao này cho các sự kiện, lễ hội tại thành phố.
Đối với chiến lược phát triển du lịch, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Trong đó, đặt mục tiêu đến năm 2030, TP.HCM đón trên 13 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 50 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 436.200 tỷ đồng (hơn 17 tỷ USD), đóng góp 405.300 tỷ đồng (gần 16 tỷ USD) vào GRDP - tương ứng với 15% GRDP của thành phố.
Các sự kiện - lễ hội chắc chắn sẽ là “đòn bẩy” góp phần hoàn thành mục tiêu đó của ngành du lịch TP.HCM. Đang vào mùa du lịch cuối năm, các công ty du lịch lữ hành, nhà hàng, khách sạn tại TP.HCM đặt nhiều kỳ vọng, chờ đợi kết quả kinh doanh ấn tượng nhờ vào chuỗi sự kiện - lễ hội nối tiếp nhau trên địa bàn thành phố.
Đón đọc: TP.HCM - Thành phố của sự kiện và lễ hội (bài cuối): Để du lịch sự kiện - lễ hội luôn hấp dẫn, bền vững
No comments