Breaking News

Du lịch 2024 tăng trưởng nhưng nhiều doanh nghiệp báo lợi nhuận sụt giảm

Du lịch 2024 tăng trưởng nhưng lợi nhuận sụt giảm - Ảnh 1.

Du khách quốc tế nhộn nhịp trên đường phố TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố Top 10 công ty du lịch uy tín và Top 5 khách sạn, resort uy tín năm 2024.

Báo cáo đi kèm cũng cho thấy bức tranh ngành du lịch đã có tăng trưởng tích cực nhưng đối mặt thách thức kiểm soát chi phí và chuyển đổi số.

Theo Vietnam Report, mặc dù doanh thu của ngành du lịch - khách sạn tiếp tục tăng trưởng ổn định với nhiều tín hiệu tích cực, áp lực chi phí đang gia tăng, tỉ lệ doanh nghiệp báo cáo sụt giảm lợi nhuận tăng từ 7,2% lên 11,1%, cho thấy thách thức lớn trong việc kiểm soát chi phí vận hành và duy trì biên lợi nhuận.

Sau giai đoạn kinh tế biến động với lạm phát gia tăng, giá cả hàng hóa leo thang và khủng hoảng địa chính trị, người tiêu dùng đã có xu hướng tiết kiệm và tập trung chi tiêu vào các nhu cầu thiết yếu.

Các doanh nghiệp phải đối mặt với yêu cầu đầu tư vào chuyển đổi số, áp lực chuyển đổi sang mô hình phát triển bền vững, và chi phí vận hành ngày càng leo thang.

Song song, phát triển bền vững trở thành một ưu tiên dài hạn với tỉ lệ doanh nghiệp chú trọng quản trị rủi ro đạt 57,1%. Đáng chú ý, nhu cầu dịch vụ bền vững từ khách hàng đang gia tăng mạnh mẽ, với tỉ lệ sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ thân thiện môi trường đạt 80,9% năm 2024.

Trong bối cảnh này, ngành du lịch năm 2025 được kỳ vọng không chỉ phục hồi mà còn phải có những bước chuyển mình mạnh mẽ để đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.

Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, tỉ lệ người tiêu dùng sẵn sàng tăng mức chi tiêu cho du lịch đã tăng đáng kể, đạt 48,1%, so với chỉ 27,6% trong năm 2023. 

Đây là một sự cải thiện ấn tượng, phản ánh xu hướng phục hồi mạnh mẽ của ngành này và sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng.

Môi trường kinh tế năm 2024 cũng hỗ trợ tích cực cho ngành du lịch. 

Tăng trưởng GDP, tỉ lệ thất nghiệp giảm và lạm phát ổn định đã cải thiện sức mua của tầng lớp trung lưu, góp phần thúc đẩy chi tiêu vào các dịch vụ giải trí và nghỉ dưỡng.

Đặc biệt, trong bối cảnh bất ổn địa chính trị toàn cầu, Việt Nam nổi lên như một điểm đến an toàn, ổn định và thân thiện, đáp ứng xu hướng du lịch an toàn của khách quốc tế.

Theo khảo sát, 71,4% doanh nghiệp trong ngành tin tưởng vào triển vọng khả quan năm 2025, với mục tiêu đón từ 25-28 triệu lượt khách quốc tế và 130 triệu lượt khách nội địa, đóng góp trực tiếp 8-9% GDP.

Đồng thời, ngành dự kiến tạo ra 6,3 triệu việc làm, trong đó 1,2 triệu việc làm trực tiếp, hướng tới phát triển bền vững và trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu thế giới.

Người tiêu dùng ưu tiên kênh trực tuyến

Năm 2024 chứng kiến sự thay đổi rõ rệt trong hành vi tiêu dùng khi các kênh trực tuyến trở thành lựa chọn hàng đầu. Đặt dịch vụ qua các ứng dụng du lịch như Traveloka và Booking.com tăng từ 31,4% năm 2023 lên 71,4% năm 2024.

Tương tự, đặt qua website công ty du lịch tăng từ 26,5% lên 57,1%. Trong khi đó, các kênh truyền thống như đại lý hoặc đặt trực tiếp tại điểm du lịch lại sụt giảm đáng kể.

Sự chuyển dịch này phản ánh hiệu quả đầu tư vào công nghệ và chiến lược cải thiện trải nghiệm trực tuyến của doanh nghiệp. Đồng thời, các chương trình khuyến mãi hấp dẫn và khả năng so sánh giá trên nền tảng số đã thay đổi cách khách hàng tiếp cận dịch vụ du lịch.

Trước xu hướng dịch chuyển số hóa, 85,7% doanh nghiệp ngành du lịch - Khách sạn, Resort ưu tiên chiến lược tăng cường hiện diện trên mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến để cải thiện nhận diện thương hiệu.

"Ngành du lịch Việt Nam đang đứng trước bài toán khó: làm sao cân bằng giữa nhu cầu đầu tư dài hạn và áp lực chi phí hiện tại. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, việc chuyển đổi số và phát triển bền vững không chỉ là lựa chọn mà đã trở thành yếu tố sống còn", các chuyên gia nêu nhận định trong báo cáo.

No comments

Nuoc Hoa Xach Tay