Kỳ diệu du lịch nông nghiệp: Từ làng nghèo nhất thành làng giàu nhất Bali
Trưởng làng I Wayan Budiarta từ vùng Bali (Indonesia), ngôi làng nổi tiếng với 2.000 lượt khách tới tham quan mỗi ngày và được bình chọn trong danh sách "Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2023", kể câu chuyện của làng mình từ nghèo đói ra vinh quang.
Từ làng nghèo nhất thành làng giàu nhất Bali
Theo ông Wayan, làng Penglipuran của ông tách biệt và đầy khó khăn như 18.000 ngôi làng khác ở Indonesia. Người dân trước đây làm nông và phụ thuộc phần lớn vào tự nhiên.
Ông Wayan nói rằng rất buồn vì các thế hệ người trẻ đã rời bỏ làng ra đi. Khi làng chỉ còn vẻn vẹn 250 hộ gia đình, từ năm 2013 chính quyền Indonesia đã có chính sách đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, đặt mục tiêu biến Penglipuran trở thành điểm đến du lịch.
Theo sự gợi ý của Bộ Du lịch Indonesia cùng các tổ chức du lịch quốc tế, người dân ở Penglipuran được khuyến khích giữ lại tất cả những thứ gì thuộc về văn hóa truyền thống, giá trị bản địa.
"Một đứa trẻ lớn lên và đi học cũng được giáo dục cách tự hào về làng quê, văn hóa của chính mình. Khi đủ 18 tuổi, công dân của Penglipuran sẽ tham gia vào các nhóm, hội riêng để phô diễn tất cả tài năng của mình. Ai giỏi đan lát, may thêu, nhảy múa thì tùy năng lực để chọn nhóm phù hợp.
Mỗi quyết định ở Penglipuran đều được bắt nguồn từ từng thành viên trong làng. Chủ làng chỉ là người thay mặt bà con đưa ra quyết định. Trong vòng 10 năm, Penglipuran đã thay đổi chóng mặt. Làng được bảo tồn nguyên vẹn khiến thanh niên không đi ra đô thị nữa mà ở lại làng làm du lịch.
Từ chỗ hoang vắng, mỗi ngày Penglipuran thu hút 2.000 lượt khách tham quan và là nơi sầm uất nhất vùng Bali. Năm 2023, người Penglipuran mở hội ăn mừng vì làng mình được lọt vào danh sách Làng du lịch tốt nhất thế giới của Liên Hiệp Quốc" - vị trưởng làng I Wayan Budiarta kể.
Thu nhập tăng 15 lần chỉ trong 7 năm
Tiến sĩ Bao Jigang, giáo sư tại Trường Quản lý du lịch (Đại học Sun Yat-sen - Tôn Trung Sơn, Trung Quốc), đại diện cho làng Azheke (A Giả Khóa), cho biết mới đây ngôi làng của ông cùng với Trà Quế (Hội An, Việt Nam) được xướng tên trong danh sách Làng du lịch tốt nhất thế giới 2024.
Thực tế những gì diễn ra trong 7 năm qua cho thấy du lịch không chỉ là một lĩnh vực kinh tế mà là một phương thuốc thần tiên biến đổi cả một cộng đồng.
Theo ông Bao, làng Azheke của ông nằm tách biệt ở vùng biên giới Tây Nam Trung Quốc. Đây là một trong 2,6 triệu ngôi làng của Trung Quốc. Azheke bao quanh giữa núi, cộng đồng chỉ 65 hộ dân, mỗi hộ bình quân có 4 nhân khẩu.
Từ bao đời, người dân ở đây đối diện với cuộc sống nghèo nàn, chắp vá. Trước 2018, thu nhập bình quân của bà con Azheke chỉ khoảng 3.000 nhân dân tệ, tức khoảng 400 USD mỗi năm. Vì quá nghèo nên hơn một nửa bà con trong làng tìm cách ra ngoài kiếm sống, chỉ phụ nữ và người già yếu là trụ lại.
Bước ngoặt đến với Azheke vào năm 2018 khi chương trình kết nối đưa các chuyên gia tại Trường Quản lý du lịch (Đại học Tôn Trung Sơn) về giúp bảo tồn, chuyển đổi sinh kế cho cư dân làng.
"Chính quyền địa phương và doanh nghiệp đóng góp 70% hoạt động tài chính. Trường đại học Tôn Trung Sơn đóng 30% còn lại để thực hiện dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản địa để phục vụ du lịch" - ông Bao nói.
Theo ông Bao, do sống theo cách "hoang dã" đã quen nên thời gian đầu rất khó để thuyết phục người dân chuyển qua làm du lịch. Chính quyền và các chuyên gia hướng dẫn bền bỉ, mỗi người dân được tham gia vào các quyết định liên quan đến nơi mình sống.
Khi chuyển qua đón khách, bà con cũng phải thay đổi rất nhiều từ cách sinh hoạt, cách ứng xử với khách. Vì làng quá nghèo nên từ xưa trẻ con ở Azheke mỗi lần gặp người lạ đều đi theo để xin tiền.
Khi làm du lịch, chính quyền áp dụng mức phạt cho mỗi cha mẹ nếu để con đi ăn xin nên lâu dần cảnh tượng này biến mất. Các gia đình cũng được hướng dẫn đón khách, xây các khu tắm vòi sen ngoài trời để khách vào lưu trú và thích thú trải nghiệm cách tắm giữa thiên nhiên như vậy.
"Bà con được hướng dẫn dùng máy tính, được dạy cách sử dụng tiếng địa phương. Chúng tôi biến mỗi ngôi nhà của bà con thành nơi làm việc của họ, nơi làm việc cũng chính là nhà của họ. Bà con thấy cứ làm như thế thì có thu nhập, khách tới càng nhiều nên họ làm mỗi ngày một tốt hơn" - ông Bao kể.
Du lịch tạo sự thay đổi diệu kỳ
Cũng như ở Penglipuran của Indonesia, ông Bao cho biết chỉ trong vòng 7 năm, dự án chuyển đổi sinh kế, giúp tận dụng tài nguyên giá trị bản địa ở Azheke đã tạo ra điều thần diệu.
Từ chỗ thu nhập chỉ 400 USD, dân ở Azheke nay có thu nhập 6.000 USD mỗi năm, 15 doanh nghiệp trong làng do chính bà con địa phương sở hữu. 23 hộ gia đình thoát nghèo, người làng lũ lượt quay trở về tạo ra bầu không khí vui tươi, náo nhiệt.
No comments